Nhân vật tôn thờ

Vừ Pa Chay

Vừ Pa Chay là người dân tộc Mông, quê ở vùng núi thuộc khu vực Nậm U (thượng Lào), nhà nghèo nên sau khi cha mất, ông đưa mẹ sang vùng cao Lai Châu (nay là Điện Biên) sinh sống và làm con nuôi người họ Giàng nên còn có tên gọi Giàng Tả Chay. Chứng kiến nhân dân các dân tộc rơi vào cảnh lầm than, phải đóng sưu cao, thuế nặng, đi lính, đi phu, không được học hành, không được chữa bệnh... ông đã kêu gọi người dân trong vùng đứng lên đấu tranh.

Sau khi triều đình nhà Nguyễn ký Hiệp ước Patơnốt (Hiệp ước Giáp Thân) năm 1884, thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ, những cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra từ Bắc vào Nam. Đặc biệt là cuộc chiến đấu nổ ra ở các căn cứ dọc sông Thao, Nghĩa Lộ, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu gây cho địch nhiều thiệt hại. Đầu năm 1886, quân Pháp huy động lực lượng ồ ạt tiến lên Tây Bắc. Tháng 12/1887, quân Pháp tổ chức tấn công nhằm tiêu diệt các cuộc khởi nghĩa, hoàn thành việc xâm chiếm Tây Bắc. Một cánh quân Pháp do viên quan năm Pécnô chỉ huy từ Lào Cai về Phong Thổ để đánh Lai Châu. Ngày 16/01/1888, Pháp có mặt tại Lai Châu; đến ngày 23/01/1888, chúng đóng quân tại Điện Biên. Ngay sau đó, Thực dân Pháp bắt tay ngay vào việc xây dựng bộ máy cai trị theo chế độ quân quản, âm mưu chia rẽ dân tộc, biến địa phương thành khu biệt lập. Chúng ra sức nuôi dưỡng bọn thổ ty, cường hào để làm tay sai, lập ra “Xứ Thái tự trị”, “vùng Mèo tự quản” để lừa bịp, bóc lột, giam hãm nhân dân trong vòng ngu muội. Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, ma chay, nghiện ngập, cờ bạc phát triển.

Duới ách thống trị của Thực dân Pháp, nhân dân các dân tộc rơi vào cảnh lầm than, phải đóng sưu cao, thuế nặng, đi lính, đi phu, không được học hành, không được chữa bệnh… Không chịu nổi sự áp bức bóc lột của Thực dân Pháp và bọn thống trị tay sai, nhân dân các dân tộc Lai Châu (nay là Điện Biên) đã liên tục tham gia các cuộc đấu tranh chống lại thực dân phong kiến. Nhiều cuộc khởi nghĩa do các thủ lĩnh Châu, Mường lãnh đạo đã nổ ra. Mở đầu là cuộc nổi dậy của nghĩa quân Lường Sám, sau đến thủ lĩnh Chếu và Tếnh, đã nổi dậy chống lại thủ đoạn đánh thuế nặng nề và cướp ruộng đất trắng trợn của Thực dân Pháp và bọn tay sai. Bọn thống trị phải nhiều lần đưa quân lên đàn áp mới dập tắt được phong trào.

Chứng kiến những cảnh nhân dân ta bị áp bức, bóc lột, Vừ Pa Chay là người dân tộc Mông, quê ở vùng núi thuộc lưu vực sông Nậm U (thượng Lào), nhà nghèo nên sau khi cha mất, ông đưa mẹ sang vùng cao Điện Biên sinh sống và làm con nuôi người họ Giàng nên có tên gọi là Giàng Tả Chay. Vừ Pa Chay có tài bắn nỏ giỏi nhất vùng Pu Nhi (nay thuộc huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên), với ý chí kiên cường, không chịu khuất phục trước kẻ thù, ông đã kêu gọi nhân dân trong vùng đứng lên đấu tranh. Tháng 10/1918, cuộc khởi nghĩa chống Pháp do Vừ Pa Chay lãnh đạo đã nổ ra. Ông cùng với nhân dân các dân tộc Mông, Khơ Mú, Lào… đoàn kết chống lại ách thống trị của Thực dân Pháp với khẩu hiệu: “Quét sạch tây trắng (Pháp), chống thuế, giành quyền tự chủ”. Thủ lĩnh Vừ Pa Chay đã lấy vùng cao Điện Biên và Bắc Lào làm trung tâm hoạt động, tổ chức hành quân đánh địch hoặc bố trí lực lượng chặn đánh khi chúng điều quân tới. Với lối đánh linh hoạt nghĩa quân đã gây cho Pháp và bọn tay sai nhiều phen khốn đốn.

Tháng 12/1918, địch tập trung 200 quân gồm lính khố xanh và lính dõng do tên Quan một Gôchiê và Quan ba Vinê chỉ huy tấn công lên khu căn cứ của nghĩa quân tại Mường Phăng và Pu Nhi. Nghĩa quân đã chiến đấu liên tục mấy ngày, diệt được nhiều tên địch trong đó có cả tên Quan ba Vinê. Trong một bản báo cáo gửi về Hà Nội, tên tư lệnh đạo quan binh thứ tư Lai Châu đã phải thú nhận: “Thời kỳ đầu của cuộc tác chiến đã cho thấy rõ chúng ta không phải chỉ đối đầu với một lũ giặc có từ 80 đến 100 tay súng mà thôi, thực ra đã phải đối phó với cả một dân tộc đã nổi dậy theo Pa Chay”.

Trước tình hình đó, quân Pháp vô cùng lo sợ đã phải điều quân từ Lai Châu, Sơn La, Yên Bái lên để đàn áp phong trào và tìm mọi cách để tiến sâu vào căn cứ của nghĩa quân ở Pu Nhi, Điện Biên, Long Hẹ. Dưới sự lãnh đạo của Vừ Pa Chay, nghĩa quân dựa vào rừng núi hiểm trở, lại được nhân dân che chở, giúp đỡ, đã tổ chức nhiều trận đánh đồng thời tránh các cuộc giao tranh lớn để bảo toàn lực lượng. Nhân lúc kẻ thù sơ hở, tiến đánh làm cho chúng tổn thất nặng về người và vũ khí.

Mùa hè năm 1919 đến năm 1920, phong trào đã lan rộng khắp một vùng rộng lớn bao gồm thượng lưu sông Nậm U, Sầm Nưa (CHDCND Lào) và Điện Biên Phủ. Quân Pháp đã phải thú nhận: “Ảnh hưởng của phong trào cách mạng Vừ Pa Chay không chỉ bó hẹp trong một địa phương mà đã tỏa khắp cả núi rừng rộng trên 04 vạn cây số vuông, bao gồm khu vực người Mông ở phía Tây trên các dãy núi hai bên bờ sông Nậm U (thượng Lào), phía Điện Biên Phủ, Long Hẹ, Tuần Giáo, Tủa Chùa, phía Sầm Nưa (CHDCND Lào), Trấn Ninh...”. Phong trào không còn mang tính chất địa phương mà lan ra thành cuộc khởi nghĩa rộng lớn.

 Đến năm 1922, Thực dân Pháp tiến hành cuộc đàn áp lớn, cuộc khởi nghĩa Vừ Pa Chay thất bại. Mặc dù không thực hiện được khẩu hiệu nêu ra, nhưng hoạt động của nghĩa quân do Vừ Pa Chay lãnh đạo đã hun đúc ngọn lửa đấu tranh kiên cường, bất khuất chống kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai đối với nhân dân các dân tộc Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Cuộc khởi nghĩa của Vừ Pa Chay có sức lan tỏa ảnh hưởng lớn, làm tiền đề cho cuộc khởi nghĩa của những người bị Pháp giam giữ tại nhà tù Lai Châu do Cai Vợi chỉ huy vào năm 1927. Chính ở những địa điểm nghĩa quân Vừ Pa Chay nổi dậy chống Pháp, sau này dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Lai Châu, đồng bào các dân tộc vùng cao đã xây dựng những khu căn cứ du kích: Pú Nhung, Điện Biên, ..... mà kẻ địch không thể phá vỡ được.